Tin tức
Doanh nghiệp xi măng khó hoàn thành kế hoạch đề ra
Từ đầu năm đến nay, thị trường xây dựng ảm đảm khiến các doanh nghiệp xi măng tại Thái Nguyên gặp không ít khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh cắt giảm công suất hoạt động, đồng thời hạ giá bán sản phẩm... để duy trì sản xuất - kinh doanh và bảo đảm việc làm cho người lao động. Tại Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI (thành viên của Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - TKV) chỉ ở mức cầm chừng. Ông Đỗ Ngọc Huy, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI, cho biết, cuối năm 2023, nhận thấy thị trường sản xuất vật liệu xây dựng chưa có nhiều khởi sắc, ban lãnh đạo Công ty đã thận trọng trong việc tham mưu, đề xuất với Tổng Công ty xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Cụ thể, năm 2024, Xi măng Quán Triều đặt mục tiêu sản lượng xi măng tiêu thụ ở mức ổn định so với năm 2023 (tương đương 700.000 tấn). Dù vậy, tính đến hết 6 tháng năm nay, sản lượng xi măng xuất bán ra thị trường cũng chỉ đạt 40% so với kế hoạch (tương đương 280.000 tấn). Khó khăn của Công ty CP xi măng Quán Triều - VVMI cũng là khó khăn chung đối với nhiều doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực như: Công ty CP Xi măng La Hiên - VVMI; Xi măng Quang Sơn... Tại Công ty CP Xi măng La Hiên - VVMI, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng xi măng tiêu thụ đạt xấp xỉ 42% kế hoạch năm, tương đương 275.600 tấn; doanh thu đạt khoảng 282 tỷ đồng, đạt 41%. Nguyên nhân khiến cho thị trường tiệu thụ xi măng gặp khó là do tình hình lạm phát kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua khiến nhu cầu xây dựng của người dân và doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực bị suy giảm. Bên cạnh đó, tình trạng giải ngân nguồn vốn đầu tư chậm, thị trường bất động sản phục hồi cũng chậm khiến thị trường xi măng càng trở nên ảm đảm. Ngoài ra, hiện nay sản lượng xi măng trong nước đang tiếp tục rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Trong khi đó hoạt động xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam đang bị nhiều nước áp dụng chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại, thuế chống bán phá giá tạm thời.... khiến cho xi măng trong nước càng tồn kho cao. Thị trường tiêu thụ khó khăn làm cho mức độ canh tranh giữa các doanh nghiệp xi măng càng trở nên gay gắt. Để thích ứng với thị trường cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp phải có nhiều giải pháp như: Không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị phần tiệu thu; đưa ra các chính sách “kích cầu” tiêu dùng như khuyến mãi, giảm giá bán sản phẩm hoặc điều chỉnh công suất của lò máy và thời gian làm việc của người lao động... Ông Hoàng Trung Kiên, Quản đốc phân xưởng Sản xuất clinker Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI chia sẻ, từ đầu năm đến nay, do tiêu thụ xi măng gặp nhiều khó khăn nên nhà máy đã điều chỉnh tạm dừng lò sản xuất 3 lần. Dù vậy Xi măng Quán Triều vẫn thực hiện các giải pháp cho người lao động như luân phiên làm việc, khuyến khích nghỉ phép để bảo đảm đủ việc làm và nhận lương theo quy định. Tương tự tại Công ty CP Xi măng La Hiên - VVMI; Xi măng Quang Sơn.. theo ghi nhận, áp lực lớn nhất hiện nay là vừa phải hạ giá bán sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường nhưng vẫn phải bảo đảm các chi phí sản xuất khác, trong đó có lương, thu nhập của người lao động. Điều này khiến các đơn vị này chấp nhận giảm lợi nhuận và tăng cường hơn nữa các giải pháp về tiết kiệm, chống lãi phí trong sản xuất - kinh doanh. Theo nhận định của phần lớn các doanh nghiệp xi măng trên địa bàn tỉnh, khả năng hoàn thành kế hoạch năm nay là rất khó khăn. Bởi lẽ thị trường xây dựng từ nay đến cuối năm 2024 được gia dự báo sẽ không có nhiều khởi sắc. Ở trong nước, nhu cầu xi măng cho dù có thể được cải thiện nhưng vẫn khó có sự tăng trưởng cao để có thể tiêu thụ hết công suất của các nhà máy hiện có. Do đó, các doanh nghiệp đang nỗ lực hoàn thành kế hoạch năm ở mức cao nhất (duy trì đạt từ 70 - 80% so với kế hoạch đề ra). Để hoàn thành mục tiêu này, các doanh nghiệp xi măng tăng cường triển khai các giải pháp về tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tiết kiệm, chống lãng phí để giảm giá thành sản phẩm... Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Để giúp các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói chung, xi măng nói riêng thực sự tháo gỡ được khó khăn thì cần có những giải pháp mang tính vĩ mô, căn cơ về khơi thông thị trường xây dựng. Nguồn: ximang.vn
Giá trị xuất khẩu xi măng, clinker sang Trung Quốc sụt giảm mạnh
Theo số liệu từ Báo cáo ngành Xi măng, trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ có 44.600 tấn xi măng và clinker được xuất sang thị trường Trung Quốc, mang về dòng ngoại tệ chưa 1,57 triệu USD, trong khi nửa đầu năm 2023 hơn 24 triệu USD, sự sụt giảm mạnh mẽ này đã được ghi nhận từ trước đó. Năm 2023, Trung Quốc từng là thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành Xi măng đã giảm nhập khẩu tới 90%, do nhu cầu yếu nguyên nhân đến từ ngành Bất động sản nước nây đang gặp khó khăn. Không chỉ vậy, quốc gia này cũng đẩy mạnh xuất khẩu xi măng sang các thị trường chính nhập khẩu xi măng của Việt Nam, khiến sự cạnh tranh về giá tại thị trường xuất khẩu trở nên gay gắt hơn. Thống kê tình hình xuất khẩu nửa đầu năm cho thấy, cả nước xuất được 15,9 triệu tấn xi măng và clinker, thu về gần 612 triệu USD, tăng 0,1% về lượng và giảm 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Trước khi gặp khó từ những biến động của thị trường Trung Quốc, viễn cảnh cạnh tranh của ngành Xi măng đã sớm được dự báo từ nhiều năm trước. Nguồn: ximang.vn
Đánh giá tổng quan ngành Xi măng trong 10 năm trở lại đây
Theo Bộ Xây dựng, trong 10 năm gần đây, năng lực sản xuất xi măng của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi măng, thuộc nhóm tốp đầu trên thế giới. • Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD Bộ Xây dựng cho biết, đối với ngành Xi măng, hiện nay, tổng số dây chuyền sản xuất xi măng đã đầu tư trên toàn quốc là 92 dây chuyền với tổng công suất 122,34 triệu tấn/năm (trong đó, có 4 dây chuyền với tổng công suất 11,4 triệu tấn xi măng/năm đã đầu tư xong nhưng chưa đưa vào vận hành, do không tiêu thụ được sản phẩm). Các dây chuyền đầu tư từ năm 2011 đến nay đều sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới đạt tiêu chuẩn châu Âu. Đặc biệt, có những dây chuyền sản xuất xi măng hiện đại nhất trên thế giới như dây chuyền 2 và dây chuyển 3 nhà máy Xi măng Xuân Thành, tỉnh Hà Nam. Số lượng đầu tư các nhà máy xi măng theo thời gian cho thấy: đến năm 2010, cả nước đã đầu tư 59 dây chuyền với tổng công suất thiết kế 62,56 triệu tấn/năm, trong đó có 29 dây chuyền có công suất nhỏ từ 0,25 - 0,65 triệu tấn/năm, 13 dây chuyền công suất từ 0,75 - 0,91 triệu tấn/năm. Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020 cả nước đã đầu tư được 26 dây chuyền, với tổng công suất 41,48 triệu tấn/năm, nâng tổng số dây chuyền đến năm 2020 của cả nước là 85 dây chuyền, với tổng công suất thiết kế là 104,04 triệu tấn/năm. Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước đã đầu tư được 7 dây chuyền, với tổng công suất thiết kế là 18,3 triệu tấn/năm. Suất vốn đầu tư trung bình giai đoạn này khoảng 2.500.000 - 3.700.000 đồng/tấn tùy theo thiết bị đồng bộ của các nước. Tổng mức đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng là rất lớn, với tổng công suất thiết kế 122,34 triệu tấn xi măng/năm, tổng mức tài chính đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD). Trong đó, ước tính nguồn tài chính từ các ngân hàng trong nước và vốn Nhà nước chiếm khoảng 75% tổng mức đầu tư này. Về sản xuất clinker và xi măng: trong 10 năm vừa qua (2014 - 2023), sản lượng sản xuất clinker và xi măng nhìn chung đều tăng. Trong đó, sản xuất clinker và xi măng năm 2021 đạt đỉnh (110,4 triệu tấn). Từ năm 2023 đến nay, sản xuất clinker và xi măng sụt giảm nghiêm trọng. Tổng sản lượng sản xuất cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, các dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế. Trong năm 2023, có 42 dây chuyền phải dừng hoạt động sản xuất khoảng 1 - 6 tháng, trong đó một số dây chuyển phải dừng cả năm (tương ứng công suất phải dừng hoạt động khoảng 30% tổng công suất thiết kế của cả nước). Năm 2024, dự kiến đến hết tháng 6/2024, tổng sản lượng sản xuất clinker và xi măng toàn quốc đạt khoảng 44 triệu tấn xi măng, tương đương cùng kỳ năm 2023 và các nhà máy cũng dự kiến chỉ đạt khoảng 70 - 75% tổng công suất thiết kế (trước năm 2022, các nhà máy thường vận hành trên 85%, thậm chí có những năm trên 95% công suất thiết kế). Tồn kho lũy kế khoảng 5 triệu tấn. Các nhà máy sản xuất xi măng ở nước ta đã sản xuất được nhiều chủng loại sản phẩm xi măng phục vụ xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, đồng thời đã sản xuất được các loại xi măng chất lượng cao, rắn nhanh, chịu nhiệt, chịu lửa, bền môi trường biển, xi măng giếng khoan phục vụ khai thác dầu khí... Về tiêu thụ: trong 10 năm vừa qua, tổng sản lượng clinker và xi măng tiêu thụ hàng năm nhìn chung đều tăng, cao nhất là năm 2022 toàn ngành tiêu thụ đạt 108,4 triệu tấn. Từ năm 2023 đến nay, tiêu thụ clinker và xi măng đều sụt giảm nghiêm trọng. Tổng sản lượng tiêu thụ năm cả 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022. Dự kiến, đến hết tháng 6/2024, tổng sản lượng tiêu thụ clinker và xi măng đạt khoảng 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2023. Tiêu thụ trong nước chủ yếu là xi măng, trong 10 năm qua nhìn chung đều tăng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tiêu thụ rất thấp, chỉ đạt trung bình khoảng 2,3%/năm, trong khi GDP quốc gia đều tăng bình quân khoảng 5 - 7%/năm. Năm 2023, tiêu thụ xi măng trong nước rất thấp, chỉ đạt 56,6 triệu tấn (bằng 83,5% năm 2022), đây là mức sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay trong ngành Xi măng. Thị phần tiêu thụ xi măng trong nước nhìn chung ít biến động, miền Bắc chiếm khoảng 34 - 35%, miền Nam khoảng 34 - 35%, miền Trung và Tây Nguyên chiếm khoảng 30 - 31%. Giá bán xi măng trong nước từ năm 2022 đến nay không tăng do cạnh tranh mạnh giữa các nhà máy sản xuất xi măng, thậm chí có chiều hướng giảm, trung bình khoảng 1.400.000 - 1.600.000 đồng/tấn tại các khu vực đồng bằng và trung du tùy theo các thương hiệu xi măng; khoảng 1.650.000 - 2.000.000 đồng/tấn tại các vùng sâu, vùng xa, Tây Nguyên… Tiêu thụ xuất khẩu bao gồm 2 sản phẩm là clinker và xi măng. Trong vòng 10 năm qua, sản lượng xuất khẩu clinker và xi măng nhìn chung có tăng lên. Tuy nhiên, từ năm 2022 lượng clinker xuất khẩu sụt giảm lớn, tổng lượng clinker xuất khẩu cả năm 2022 chỉ đạt 15,2 triệu tấn (bằng 52,9% năm 2021) và tiếp tục sụt giảm xuống 10,9 triệu tấn năm 2023 (bằng 71,7% năm 2022). Ước tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, lượng clinker xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 5,4 triệu tấn. Tình hình sụt giảm xuất khẩu clinker như vậy là rất khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất. Những năm 2019 - 2022, giá trị xuất khẩu clinker và xi măng trung bình khoảng 1 - 1,3 tỷ USD/năm. Từ năm 2023 đến nay, giá trị xuất khẩu clinker và xi măng giảm sút do giá xuất khẩu bị giảm rất mạnh… Nguồn: ximang.vn
Giảm clinker trong xi măng hướng tới các mục tiêu bền vững
Trong bài viết này, Michele Di Marino & Stefano Zampaletta, Tập đoàn Cementir & Casper Mathirasen, Unicon A/s, tìm hiểu vai trò của các công thức xi măng và bê tông mới trong việc đưa ngành Xi măng hướng tới một tương lai thuần bằng 0. Tập đoàn Cementir đã và đang thực hiện các hành động tiếp theo để giảm dần lượng khí phát thải CO₂, tối ưu hóa các công nghệ hiện có và đặt nền móng cho những đổi mới tiềm năng sẽ hướng tới việc sản xuất xi măng không phát thải. Tham vọng của công ty là giảm dần cường độ phát thải khí CO₂ cho đến khi đạt được trung hòa carbon vào năm 2050. Trên con đường đầy thách thức này, cùng với các hành động quan trọng khác như các công nghệ sản xuất mới, các hoạt động khai thác công nghiệp và hỗn hợp nhiên liệu và năng lượng, việc giảm tỷ lệ clinker trong xi măng cho thấy là một trong những động thái phù hợp và giá trị nhất phải đạt được. Theo quan điểm chiến lược của chúng tôi đối với việc giảm dần lượng carbon trong danh mục sản phẩm hướng tới các loại xi măng thấp carbon, FUTURECEM® là một bước đệm nhằm đạt được các mục tiêu bền vững của chúng tôi, Michele Di Mario, Giám đốc bán hàng, Tiếp thị & Phát triển Thương mại tại Cementir Holding, cho biết. Khái quát FUTURECEM® là kết quả của nghiên cứu ứng dụng rộng rãi đã được tiến hành trong những năm gần đây tại Trung tâm Nghiên cứu và Chất lượng của Tập đoàn Cementir ở Aalborg. Nó bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị từ đánh giá nguyên liệu thô, công nghệ sản xuất, cho đến công nghệ bê tông. Công nghệ này là một hệ thống đá vôi và đất sét nung cho phép thay thế clinker ở mức cao trong xi măng. Tận dụng sức mạnh tổng hợp của sự kết hợp nguyên vật liệu, công nghệ này đã tạo ra một loại xi măng bền vững hơn và hiệu quả hơn với mức dấu chân carbon thấp hơn tới 30% so với xi măng portland thông thường. Những lợi ích của thấp carbon cũng đã đạt được trong khi vẫn bảo đảm được cường độ và chất lượng. Công nghệ này hoàn toàn được công nhận là một giải pháp cho giảm tỷ lệ clinker trong lộ trình "Chuyển đổi thấp Carbon trong ngành Xi măng" của Cơ quan Năng lượng Quốc tế và là các loại xi măng thấp clinker trong "Củng cố Thỏa thuận Xanh Châu Âu".1,2 Nó cũng được chính thức công nhận trong tiêu chuẩn EU EN 197-5 để thay thế thêm clinker với các loại xi măng II/C-M (lên tới 50%). FUTURECEM® đã được sử dụng trong quá trình xây dựng Làng UN17 ở Ørestad. Một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của công nghệ này là dự án "Bê tông Xanh II" (Chuyển đổi xanh trong sản xuất xi măng và bê tông) của Đan Mạch đã kết thúc vào năm 2019. Dự án này tham gia tích cực vào toàn bộ chuỗi giá trị xây dựng và vật liệu xây dựng, cũng như các trường đại học và các viện nghiên cứu. Công thức xi măng và bê tông dựa vào FUTURECEM® đã được phát triển và thử nghiệm trong các công trình xây dựng quy mô đầy đủ: các yếu tố cơ sở hạ tầng (hai cây cầu) và sàn và tường trong nhà trong phòng thí nghiệm bê tông mới tại Viện Công nghệ Đan Mạch. Ra mắt thị trường Kể từ tháng 1/2021, FUTURECEM® đã có mặt trên thị trường ở Đan Mạch. Nó chủ yếu nhắm mục tiêu vào sử dụng trong phân khúc bê tông hỗn hợp trộn sẵn (RMC). Khách hàng trong phân khúc này sử dụng các tính chất đặc biệt của FUTURECEM® để sản xuất bê tông ổn định hơn so với các biến động về độ sệt và dễ bơm hơn, đây thường là một thách thức đối với loại bê tông khá nghèo xi măng được sử dụng ở Đan Mạch. Cùng với RMC, một số công ty sản xuất bê tông đúc sẵn Đan Mạch đang sử dụng FUTURECEM® trong quá trình sản xuất của họ thông qua một chương trình thử nghiệm hoàn chỉnh tại hiện trường. Sự khác biệt chính đạt được chính là màu mâu nhạt của bê tông, được xem như là một yếu tố quyết định về chất lượng và bằng chứng rõ ràng cho các nhà xây dựng chứng minh tính chất bền vững của các công trình của họ. FUTURECEM® đã được sử dụng trong RMC và các chi tiết bê tông cho công trình xây dựng bền vững đầy tham vọng Làng UN17 ở Ørestad, Copenhagen với hơn 500 căn hộ. Khi được hoàn thành vào năm 2024, nó sẽ được biết đến là dự án nhà ở đầu tiên trên thế giới tích hợp 17 Mục tiêu Toàn cầu của Liên Hợp Quốc vào trong cùng một công trình. Tiếp sau việc ra mắt ở Đan Mạch, quá trình triển khai đang được đẩy nhanh trên thị trường Châu Âu của Tập đoàn Cementir. CCB, công ty con của Tập đoàn Cementir ở Bỉ, đã thương mại hóa FUTURECEM® ở Pháp vào năm 2022, với mục tiêu nhắm tới Benelux vào năm 2023. Lịch trình này cũng liên quan tới nhu cầu phải giải quyết tính phức tạp của các thị trường khác nhau, các thói quen và các quy định, mà có thể làm chậm lại và, đôi khi, hạn chế các cơ hội của các loại xi măng thấp carbon mới, cùng với sự cần thiết phải có thêm các chứng nhận của địa phương. Phối hợp cùng với khách hàng, FUTURECEM® đã được thử nghiệm và sử dụng trong một loạt các ứng dụng từ RMC đến các chi tiết bê tông đúc sẵn và vữa xây. Nó cũng được đưa vào dự án nghiên cứu "Blocs B40 cho bê tông thấp carbon" do CERIB thực hiện. FUTURECEM® là một bước quan trọng trên hành trình hướng tới sản xuất xi măng bền vững hơn. Điều này quan trọng không chỉ đối với Tập đoàn Cementir, mà còn đối với quá trình chuyển đổi thấp carbon trong các ngành bê tông và xây dựng nói chung. Trường hợp nghiên cứu: Unicon Công ty sản xuất và cung cấp RMC lớn nhất Đan Mạch, Unicon, là một bộ phận của Aalborg Portland Holding, một công ty con ở Đan Mạch của tập đoàn Cementir Holding, đã đưa bê tông dựa vào FUTURECEM® ra thị trường Đan Mạch vào năm 2020, dựa vào quá trình hợp tác phát triển với Aalborg Portland và cũng cả với Viện Công nghệ Đan Mạch, DTU Construct và các đơn vị khác trong dự án nghiên cứu và phát triển Bê tông xanh II, mà đã thực hiện từ năm 2014 đến năm 2019. Các vấn đề thực tế cuối cùng đã được thử nghiệm và hoàn thiện tại các phòng thí nghiệm và nhà máy ở Đan Mạch của Unicon trước khi công ty có thể cho các chuyến xe chở bê tông đầu tiên chạy trên đường ở Đan Mạch với bê tông đã được giảm thiểu carbon dưới cái tên UNI-Green trong các trống trộn. Unicon là công ty sản xuất RMC đầu tiên ở Đan Mạch đưa ra một phạm vi tiêu chuẩn hoàn chỉnh về bê tông đã được giảm thiểu carbon khi UNI-Green được tiếp thị thêm ra thị trường vào đầu năm 2021. Các loại bê tông UNI-Green của Unicon có dấu chân carbon thấp hơn tới 25% so với mức trung bình của ngành ở Đan Mạch. Casper Mathiasen, Giám đốc Điều hành của Unicon cho biết, không phải lúc nào chúng tôi cũng thực hiện được những thay đổi lớn như vậy đối với bê tông của chúng tôi, điều này càng làm cho vấn đề trở nên lớn hơn khi phải đưa ra một loại bê tông mới với mức giảm lượng carbon đáng kể như vậy mà FUTURECEM® góp phần tạo nên. Điều này cũng làm cho nó trở thành một nhiệm vụ đặc biệt thú vị đối với bộ phận kỹ thuật của chúng tôi để áp dụng một loại xi măng mới mà hiện nay đã tạo ra sự khác biệt lớn cho toàn ngành của chúng tôi. Với mức khử giảm carbon 25%, bê tông UNI-Green dựa vào FUTURECEM® là một trong những bước đột phá lớn nhất trên thị trường đối với RMC ở cả Đan Mạch và các nước khác trên thế giới. Unicon được biết đến với việc cung cấp bê tông cho các dự án đòi hỏi khắt khe và phức tạp mà yêu cầu các loại bê tông cường độ cao và chất lượng. Cường độ cao tương tự cũng đã đạt được trong bê tông đã được giảm thiểu carbon của Unicon cho dù hàm lượng clinker tương đối thấp hơn trong xi măng, mà được thay thế bằng các chất điền đầy là đất sét nung và đá vôi. Nhờ sử dụng FUTURECEM®, Unicon có thể sản xuất bê tông đã được giảm thiểu carbon có cường độ bền nén tương tự và giá bán thì tương tự như các loại bê tông thông thường trong phạm vi sản phẩm. FUTURECEM® cũng đã được sử dụng cho cầu đường sắt ở Đan Mạch. Casper Mathiasen cho biết thêm, điều quan trọng đối với chúng tôi là chúng tôi luôn đáp ứng được sự mong đợi của khách hàng và cung cấp sản phẩm chất lượng cao mà nhờ đó chúng tôi được biết đến trong ngành Xây dựng tại Đan Mạch. Nhờ sử dụng FUTURECEM® trong các hỗn hợp bê tông của chúng tôi, chúng tôi có thể cung cấp bê tông mà dễ dàng thi công và có chất lượng cao. Chỉ có một số quá trình có sự khác biệt chút ít, nhưng về cơ bản sản phẩm thì tương tự và có dấu chân carbon và tác động tới khí hậu thấp hơn đáng kể. Do đó, nó là một sản phẩm độc đáo chúng tôi có thể cung cấp cho các khách hàng của mình. Các loại bê tông mới đã được giảm thiểu carbon đã thu hút được những sự quan tâm đáng kể liên quan tới việc công bố phạm vi tiêu chuẩn UNI-Green vào năm 2021. Mặc dù ngành này nổi tiếng với sự thận trọng đối với các sản phẩm mới, đặc biệt là với bê tông, các nhà thầu thi công và các công ty phát triển sản phẩm trải qua thời gian đã nhận thấy rằng bê tông đã được giảm thiểu carbon có các đặc tính hiệu quả tương tự như các loại bê tông truyền thống. Do đó, Unicon đã điều chỉnh hoạt động sản xuất của mình trong năm 2022 để tất cả các loại bê tông trong hạng mục tác động môi trường thụ động và trung bình hiện được sản xuất như là UNI-Green, thay thế xi măng đông cứng nhanh truyền thống bằng FUTURECEM®. Unicon sản xuất hơn 1 triệu m³ bê tông mỗi năm từ 33 nhà máy của công ty trên khắp đất nước Đan Mạch. Hiện nay, bê tông đã được giảm thiểu carbon dựa vào FUTURECEM® chiếm xấp xỉ 40% tổng lượng bê tông mà Unicon giao đi từ các nhà máy của mình. Hướng tới tương lai Tuy nhiên, việc phát triển bê tông có tác động môi trường ít hơn không dừng lại ở việc sử dụng FUTURECEM® tại Unicon. Phòng thí nghiệm ở Đan Mạch của Cementir không ngừng cố gắng vượt qua ranh giới của các loại bê tông thân thiện với khí hậu hơn. Cùng với những hoạt động khác, điều này đã dẫn đến sự phát triển một loại ‘bê tông siêu thấp carbon,’ mà dựa hoàn toàn vào cốt liệu bê tông từ bê tông tái chế được nghiền mịn, nước mưa thu gom được và nước sản xuất, tro bay và FUTURECEM®. Bê tông mới siêu thấp carbon có dấu chân carbon 80 kg/m³, trong khi bê tông thông thường so sánh có dấu chân carbon là 170 kg/m³ bê tông. Tiềm năng của bê tông mới siêu thấp carbon và các ứng dụng của nó là rất đa dạng, nhưng hiện tại chỉ giới hạn ở các dự án nằm ngoài tiêu chuẩn của Đan Mạch do thời gian bảo dưỡng lâu hơn. Mặc dù vậy, dự án cho thấy rằng tiềm năng sử dụng các công nghệ như FUTURECEM® là đáng kể, và do đó khi kết hợp với một số sáng kiến khác nhau, xi măng đã được giảm thiểu carbon có thể đảm bảo giảm đáng kể chi phí xây dựng.
Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, giảm lượng tồn kho xi măng
Dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước sẽ khó đạt được mức tăng trưởng cao, trong khi nguồn cung lại vượt xa cầu. Nhiều dây chuyền xi măng mới tiếp tục được đưa vào sản xuất dẫn tới cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Duy trì hoạt động của các dây chuyền sản xuất, tránh tồn kho, lãng phí, bảo đảm hiệu quả là mục tiêu quan trọng nhất của các nhà máy xi măng trong giai đoạn tới. Một trong những yếu tố tác động lớn nhất đến thị trường xi măng trong nước thời gian qua là nhu cầu xi măng trong nước sụt giảm mạnh. Tiêu thụ xi măng trong nước năm 2023 giảm 16,4% so với năm 2022. Cụ thể, tổng nguồn cung xi măng cả nước năm 2023 đạt hơn 117 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ chỉ khoảng hơn 56 triệu tấn. Nguyên nhân do thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các công trình, dự án chậm triển khai, phải giãn, hoãn tiến độ khi chủ đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn. Xuất khẩu xi măng cũng gặp không ít khó khăn khi một số thị trường truyền thống như Bangladesh, Trung Quốc giảm nhập khẩu, tại nhiều thị trường khác bị cạnh tranh do nguồn cung dư thừa. Giá xuất khẩu xi măng, clinker cũng giảm sâu với mức giảm 5 - 6 USD/tấn đối với xi măng và 9 - 10 USD/tấn với clinker. Nhiều đơn vị sản xuất xi măng không xuất khẩu được do giá thu về chưa đủ bù đắp chi phí. Tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu sụt giảm khiến tồn kho xi măng tăng lên. Một số nhà máy xi măng phải giảm công suất hoặc dừng lò nung để hạn chế đổ clinker ra bãi, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Hiện nay, nhiều đơn vị sản xuất xi măng đang tồn kho lớn, dẫn đến áp lực phải linh hoạt điều chỉnh chính sách kinh doanh, giảm giá bán để cạnh tranh, tác động trực tiếp đến bức tranh tài chính của doanh nghiệp. Những vấn đề này nếu không có giải pháp kịp thời có thể tác động lâu dài đến ngành Xi măng nước ta. Tình trạng mất cân đối cung - cầu của ngành Xi măng dự báo sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Năm 2024, một số dây chuyền sản xuất xi măng mới sẽ được đưa vào hoạt động, nâng tổng nguồn cung trong nước lên mức hơn 122 triệu tấn. Trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa chỉ khoảng hơn 59 triệu tấn, có tăng so với năm 2023 nhưng vẫn còn khoảng cách rất xa so với nguồn cung. Điều này dẫn tới cạnh tranh trên thị trường xi măng ngày càng gay gắt, nhiều đơn vị tiếp tục phải giảm công suất hoặc dừng lò nung. Giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng này là các nhà máy cần phối hợp chặt chẽ giữa khâu sản xuất và tiêu thụ, quản lý tồn kho, xây dựng các kịch bản của thị trường, linh hoạt lựa chọn phương án chạy lò hiệu quả, tối ưu vận hành, hạn chế đến mức thấp nhất phải đổ clinker ra bãi. Để khắc phục căn bản chênh lệch cung - cầu xi măng, cần có giải pháp mang tầm nhìn dài hạn. Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, sản xuất xi măng gắn liền với tài nguyên khoáng sản, trong đó có đá vôi, là nguồn tài nguyên không tái tạo. Do vậy, việc xây dựng các nhà máy xi măng đi kèm với xác định các mỏ khoáng sản và quy hoạch các loại khoáng sản, tài nguyên liên quan. Ông Nguyễn Quang Cung cho rằng, cần dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng với tầm nhìn 10 năm, 20 năm làm căn cứ xác định quy mô sản xuất, giúp cân đối phù hợp giữa cung và cầu. Ngoài ra, để tiết kiệm tài nguyên, có thể tận dụng phế liệu của các ngành công nghiệp khác như xỉ, tro bay của nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng. Vừa qua, Bộ Xây dựng đã công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây sẽ là cơ sở để phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng trong thời gian tới, bảo đảm sử dụng hiệu quả, không lãng phí tài nguyên. Nguồn: ximang.vn
Hiện trạng và những khó khăn của ngành Xi măng Việt Nam
Sản lượng xi măng của Việt Nam tại thời điểm hiện tại xếp thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Về trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường, ngành Xi măng Việt Nam nằm trong top đầu trong các nước ASEAN cùng với Thái Lan. • VNCA tiếp tục kiến nghị Thủ tướng gỡ khó cho ngành Xi măng Tính đến năm 2024, cả nước có 61 nhà máy xi măng đang hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm, năng lực sản xuất xi măng thực tế có thể đạt trên 130 triệu tấn xi măng/năm. Hiện nay, 80% sản lượng xi măng được sản xuất trên các dây chuyền có công suất lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại; còn khoảng 20% sản lượng xi măng được sản xuất từ các dây chuyền công nghệ xi măng lò quay công suất nhỏ. Sản lượng xi măng liên tục tăng từ năm 2010 đến năm 2021. Năm 2021, tổng lượng xi măng, clinker tiêu thụ được là trên 108 triệu tấn. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, lượng xi măng tiêu thụ đã sụt giảm do gặp khó khăn. Trong thời gian qua, tốc độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhà ở, nhà ở xã hội còn chậm nên sức hấp thụ vật liệu xây dựng nội địa, trong đó có xi măng còn thấp. Trong hơn 10 năm qua, lượng tiêu thụ xi măng nội địa tăng rất chậm, tăng trưởng tiêu thụ xi măng trong nước (tính bình quân số học) 12 năm qua chỉ đạt 2,3%/năm. Đặc biệt, các năm 2022 và 2023 tăng trưởng tiêu thụ âm, trong khi tăng trưởng GDP trong giai đoạn đó (tính bình quân số học) là 5,7%. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp xi măng phải tìm đường xuất khẩu để duy trì sản xuất. Năm 2021 Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 45 triệu tấn xi măng và clinker. Nếu không xuất khẩu, ngành Xi măng sẽ gặp khó khăn, các doanh nghiệp sẽ phá sản, có nguy cơ quay lại tình trạng thiếu xi măng như giai đoạn trước năm 2010. Mặc dù gặp khó khăn về tiêu thụ, giá năng lượng tăng, các doanh nghiệp ngành Xi măng vẫn không ngừng đầu tư nâng cao công nghệ, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Các nhà máy sản xuất xi măng đã tích cực tái sử dụng rác thải, phế thải làm nhiên liệu, nguyên liệu thay thế, sử dụng nhiệt thải lò nung để phát điện. Đến nay đã có 30 dây chuyền sản xuất xi măng đầu tư hệ thống sử dụng nhiệt thải lò nung phát điện với tổng công suất phát điện đã đầu tư là 227 MW, chiếm 55% tiềm năng phát điện từ tổng các lò nung xi măng hiện có. Về sử dụng nhiên liệu thay thế từ rác thải, chất thải công nghiệp, hiện nay đã có 11 nhà máy xi măng sử dụng rác thải thay thế than với mức độ thay thế nhiệt cho than ở các nhà máy này là khoảng 30%. Các nhà máy xi măng đang tích cực phấn đấu để thực hiện các chỉ tiêu về chi phí năng lượng, sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế theo Chiến lược phát triển ngành vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg, ngày 18/8/2020. Theo các mục tiêu này, ngành Xi măng vừa giải quyết được vấn đề môi trường, vừa tạo ra nguồn năng lượng, nguyên liệu tái sinh góp phần xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong năm 2023 vừa qua, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker đạt 87,865 triệu tấn (trong đó: tiêu thụ xi măng nội địa: 56,621 triệu tấn xi măng; xuất khẩu: 31,245 triệu tấn, bao gồm: 10,932 triệu tấn clinker và 20,312 triệu tấn xi măng). Theo đó, lượng tiêu thụ xi măng trong nước chỉ bằng 84% so với năm 2022; tổng lượng xuất khẩu bằng 99% so với năm 2022. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu clinker chỉ bằng 72% so với năm 2022. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành Xi măng Việt Nam đang gặp một số khó khăn rất lớn trong sản xuất và tiêu thụ, có nguy cơ đưa nhiều doanh nghiệp đến mức phá sản hoặc phải bán một phần cho nước ngoài. Giai đoạn này, ngành Xi măng đang chịu áp lực lớn, khi khả năng hấp thụ xi măng của nền kinh tế trong nước kém. Tiêu thụ nội địa rất yếu do các dự án đầu tư công triển khai còn chậm; các dự án xây dựng đường giao thông vẫn sử dụng công nghệ truyền thống; thị trường nhà ở, bất động sản dường như đóng băng; tỷ lệ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội triển khai thực tế rất thấp. Bên cạnh đó, các yếu tố bất khả kháng liên quan đến giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao, đặc biệt giá than. Sự tăng giá năng lượng kéo theo tăng giá vận tải, trong khi chi phí vận tải của ngành Xi măng ảnh hưởng lớn đến giá thành và giá bán sản phẩm. Mặt khác, doanh nghiệp xi măng trong nước đang phải chịu bất lợi khi thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10%, từ ngày 01/01/2023, không được áp dụng luật thuế giá trị gia tăng. Cuối cùng là sức ép môi trường đối với các doanh nghiệp sản xuất xi măng ngày càng lớn, buộc các nhà máy phải đầu tư các hạng mục liên quan đến môi trường trong khi sản xuất, tiêu thụ rất khó khăn. Tất cả những khó khăn đó đẩy ngành Xi măng vào thế khó, tiến thoái lưỡng nan. Để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp xi măng cần tìm cách để giảm chi phí, tăng năng suất và tìm kiếm những cơ hội mới để phát triển. Cùng với đó, Chính phủ cũng xem xét để đưa ra các chính sách hỗ trợ đưa ngành Xi măng trở lại trạng thái tương đồng với nền kinh tế. Nguồn: ximang.vn
Quý 2: Tiêu thụ xi măng kỳ vọng được cải thiện
Ngành Xi măng trong năm 2024 được dự báo vẫn chịu nhiều khó khăn từ việc nhu cầu trong nước khó có thể tăng cao, nguồn cung tiếp tục vượt xa cầu. Sản lượng xi măng trong nước sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng cung vượt cầu, thị trường nội địa dự kiến tiêu thụ khoảng 60 - 62 triệu tấn, do đó, kênh xuất khẩu vẫn được các doanh nghiệp đẩy mạnh nhằm giải quyết được sản lượng khoảng 30 triệu tấn. Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) dự báo xuất khẩu xi măng, clinker trong năm nay tiếp tục gặp khó, bởi thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, xi măng Trung Quốc cũng bị dư thừa và dự báo sẽ cạnh tranh với xi măng Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu như Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi.. Năm 2024, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế Việt Nam vừa có những thuận lợi, vừa tiếp tục chịu tác động tiêu cực kép từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong. Theo đó, với nội tại ngành Xi măng hiện nay, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) dự báo tiêu thụ nội địa khó có sự tăng trưởng cao. Trước những biến động trên, dự báo quý II/2024, kỳ vọng sản lượng xi măng bán ra sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, các dự án đầu tư công lớn (như Sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc tại khu vực miền Trung và miền Nam) được kỳ vọng có thể bù đắp nhu cầu yếu trong năm 2024. Theo các nhà sản xuất, thị trường xi măng cả trong nước lẫn xuất khẩu đều gặp nhiều khó khăn. Đối với kênh xuất khẩu, sở dĩ sản lượng giảm mạnh là do Trung Quốc giảm nhập khẩu, bởi thị trường bất động sản nước này chưa có dấu hiệu khởi sắc. Bên cạnh đó, cạnh tranh xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam khốc liệt hơn do Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mua nhiều xi măng Việt Nam, điển hình là Phillipiness, Bangladesh. Tại thị trường xuất khẩu xi măng chủ yếu - Phillipiness, nước này vẫn áp dụng chính sách bảo hộ (thuế chống bán phá giá với xi măng nhập từ Việt Nam), cộng với cạnh tranh dư thừa tại Trung Đông và Đông Nam Á... Ngoài ra, giá xuất khẩu bình quân 12 tháng năm 2023 đạt gần 42,4 USD/tấn, giảm gần 3% so với cùng kỳ, chưa kể doanh nghiệp xuất khẩu clinker trong nước phải chịu thuế 10% từ 1/1/2023. Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, PGS. TS Lương Đức Long, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam chỉ ra, yếu tố bất khả kháng liên quan đến giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng, mặc dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, giai đoạn này, ngành Xi măng vẫn phải chịu áp lực lớn, khi khả năng hấp thụ xi măng của nền kinh tế trong nước kém. Bên cạnh đó, giá điện, than và các nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng, có thời điểm giá than tăng gấp 3 lần, giá bán lẻ điện bình quân tăng 7,5% trong năm 2023... Trước những biến động của thị trường, ngành Xi măng đang đặt nhiều kỳ vọng vào những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công bởi từ những tháng cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, Chính phủ đã và đang quyết liệt đưa ra nhiều chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, cùng việc thông qua quy hoạch nhiều dự án hạ tầng công nghiệp, đô thị. Về xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực mở rộng thị trường, chuyển hướng sang các thị trường như Mỹ, Australia, khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và phát huy tiềm năng của ngành với tổng công suất thiết kế có thể lên tới 120 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, một số nước nhập khẩu xi măng, clinker của Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại. Trong đó, Philippines là thị trường nhập khẩu lớn nhất nhưng lại tiếp tục áp thuế chống bán phá giá tạm thời với xi măng Việt Nam. Hơn nữa, châu Âu là thị trường khó tính với việc thực hiện cơ chế giảm phát thải carbon. Vì thế, việc mở rộng thị trường là cần thiết dù sản lượng chưa nhiều, nên các doanh nghiệp phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại. Tín hiệu tích cực là một số doanh nghiệp đã có những đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ - thị trường có tiêu chuẩn cao và khó tính. Những dự báo nêu trên sẽ tiếp thêm niềm tin cho các doanh nghiệp xi măng trở lại đường băng tăng trưởng trong năm nay dù cho vẫn còn không ít khó khăn, thách thức ở phía trước. Và điều quan trọng để tránh tiếp tục sa sút lợi nhuận hoặc thua lỗ đòi hỏi các doanh nghiệp xi măng hàng này có những giải pháp hiệu quả hơn nữa để kéo giảm các loại chi phí. Nguồn: ximang.vn
Các siêu dự án hạ tầng giao thông được kỳ vọng sẽ giúp tiêu thụ xi măng khởi sắc
Các dự án đầu tư công lớn như sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc tại khu vực miền Trung và miền Nam được kỳ vọng có thể bù đắp nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2024. Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ quay lại đà hồi phục trong năm nay nhờ các động lực tăng trưởng truyền thống như thương mại, đầu tư công và trên hết là các chính sách hỗ trợ tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện tại nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với một số rủi ro nội tại, đặc biệt là việc thị trường bất động sản hồi phục chậm có thể tiếp tục gây ảnh hưởng tới tiêu dùng cũng như làm gia tăng nợ xấu. Năm 2024, kế hoạch đầu tư công được Quốc hội thông qua là 677.300 tỷ đồng, cao hơn 18% so với kế hoạch năm 2023 và chưa tính phần giải ngân từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Điểm mới của năm 2024 có thể sẽ đến từ việc triển khai Nghị quyết 106/2023 của Quốc hội nhằm hỗ trợ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực trong 3 năm với mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý. Đợn cử như giúp các nhà thầu tiếp cận dễ dàng hơn mỏ đất/đá phục vụ xây dựng đường cao tốc. Với ngành Xi măng, các doanh nghiệp ngành này vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn khi nhu cầu trong nước suy giảm, nguồn cung tiếp tục vượt xa cầu, thị trường bất động sản vẫn chưa thể sôi động trở lại... Theo số liệu của Báo cáo ngành Xi măng Việt Nam (Vietnam Cement Report) năm 2023 tiêu thụ xi măng của cả nước trong năm 2023 đạt hơn 88,72 triệu tấn (giảm 5% so với năm 2022), trong đó tiêu dùng nội địa giảm 8% và xuất khẩu gần như đi ngang. Với việc sản lượng tiêu thụ sụt giảm, doanh thu thuần của các doanh nghiệp xi măng giảm từ 20 - 27% so với cùng kỳ. Lượng tiêu thụ xi măng dự báo sẽ chạm đáy trong quý I năm 2024 do các yếu tố mùa vụ như nghỉ Tết Nguyên đán và nhu cầu vẫn ở mức yếu và dần phục hồi trở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, kể từ quý II, sản lượng xi măng bán ra sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, các dự án đầu tư công lớn như Sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc ở miền Trung và miền Nam có thể bù đắp nhu cầu yếu trong năm 2024. (Nguồn: Báo cáo ngành Xi măng Việt Nam năm 2023) Về xuất khẩu, thị trường xuất khẩu được đánh giá có phần hạn chế do Trung Quốc giảm nhập khẩu xi măng của Việt Nam. Trong năm 2023 vừa qua, xuất khẩu xi măng và clinker gần như đi ngang do Trung Quốc giảm nhập khẩu khoảng 90% sản lượng do nhu cầu trên thị trường bất động sản tại nước này suy giảm. Ngược lại, Bangladesh là thị trường ghi nhận tăng trưởng khi xuất khẩu xi măng và clinker sang nước này tăng 28,3% so với cùng kỳ nhờ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nguồn: ximang.vn
Khai mạc Triển lãm máy móc, thiết bị Xi măng - Bê tông 2023
Ngày 22/11, tại Trung tâm Hội nghị Tân Sơn Nhất Pavillon (TP.HCM), Triển lãm máy móc, thiết bị Xi măng - Bê tông 2023 (Cement & Concrete Expo Vietnam 2023) lần thứ 4 chính thức khai mạc. Triển lãm do Fireworks Trade Media Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM) tổ chức Đây là Triển lãm chuyên ngành về xi măng và bê tông duy nhất tại Việt Nam, nhằm giới thiệu những thành tựu mới nhất trong ngành công nghiệp sản xuất xi măng bê tông, giúp các đơn vị tham gia có cơ hội phát triển mạng lưới kinh doanh và mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Theo ban tổ chức Triển lãm năm nay có 150 đơn vị tham gia, thu hút hơn 3.000 khách tham quan trong và ngoài nước, giúp khách tiếp cận, hiểu rõ hơn về ngành Xi măng, Bê tông hiện nay của Việt Nam. Từ đó, giúp kết nối giao thương giữa các nhà sản xuất vật liệu, thiết bị với các nhà máy sản xuất xi măng bê tông, cung ứng hàng đầu. Bên cạnh Triển lãm, chương trình còn có các Hội thảo chuyên ngành với sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả với nhiều năm kinh nghiệm đến từ các doanh nghiệp lớn trong ngành chia sẻ những cải tiến trong quá trình sản xuất ngành Xi măng, Bê tông. Đồng thời cập nhật các xu hướng công nghệ phát triển mới và thách thức hiện tại của ngành Xi măng và Bê tông hiện nay. Triển lãm sẽ diễn ra trong 2 ngày 22 - 23/11/2023. Nguồn: ximang.vn
Số ngày tồn kho của doanh nghiệp xi măng ở mức cao do tiêu thụ chậm
Kể từ quý 3/2022 đến nay, tiêu thụ xi măng ảm đạm theo sự chững lại của thị trường bất động sản và xuất khẩu. Số vòng quay tồn kho đến cuối quý 3 của các doanh nghiệp chậm lại, đồng nghĩa số ngày tồn kho/vòng tăng, dao động từ 55 đến 119 ngày/vòng. Là doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ xi măng khoảng 11% tại thị trường trong nước, Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) có giá trị hàng tồn kho tính đến ngày 30/9 đạt 841 tỷ đồng, giảm 6% so với cuối quý 2 và giảm 19% so với đầu kỳ. Doanh nghiệp trích lập dự phòng giảm giá 44 tỷ đồng, không thay đổi với đầu kỳ. Ngay từ đầu quý 3/2022, thị trường bất động sản trong nước rơi vào khủng hoảng kéo theo tiêu thụ mặt hàng xi măng cùng đi xuống, số vòng quay hàng tồn kho liên tục sụt giảm qua các quý. Quý 3 cũng là thời điểm mùa mưa, tiêu thụ xi măng chững lại khiến số vòng quay tồn kho của Xi măng Hà Tiên sụt giảm so với quý 2, từ 2,1 lần xuống còn 1,7 lần, mức thấp nhất kể từ năm 2022 đến nay. Vòng quay tồn kho ít hơn, đồng nghĩa với việc hàng hóa sẽ phải nằm trong kho lâu hơn. Như vậy, doanh nghiệp này cần 55 ngày để luân chuyển được một vòng hàng tồn kho, chu kỳ dài nhất kể từ quý 1/2022. Dự báo thị trường xi măng Việt Nam năm 2023 tại ĐHĐCĐ, ông Lưu Đình Cường, Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Xi măng Hà Tiên cho rằng nhu cầu tiêu thụ xi măng phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của Covid-19; các công trình, dự án cũng bị đình trệ triển khai, thậm chí phải giãn/hoãn tiến độ khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản dự báo tiếp tục trầm lắng và tăng trưởng âm do lãi suất cho vay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đối với Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC), số vòng quay tồn kho theo quý đạt mức thấp nhất vào quý 4/2022, tương ứng 1,4 vòng/quý. Điều này khiến số ngày tồn kho tăng mạnh lên 63 ngày/vòng. Tính đến ngày cuối quý 3, giá trị tồn kho của doanh nghiệp này khoảng 428 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối quý 2 và giảm 29% so với đầu kỳ, trong đó trích lập dự phòng giảm giá khoảng 28,5 tỷ đồng. Số ngày tồn kho/vòng quay khoảng 58 ngày, dài chỉ sau quý 4/2022. Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn (Mã: BTS) là doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho tăng liên tục 6 quý liên tiếp, kể từ quý 1/2022. Tính đến ngày 30/9, giá trị hàng tồn kho của Xi măng Bút Sơn khoảng 707 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối quý 2 và tăng 13% so với đầu kỳ. Số vòng tồn kho theo quý của doanh nghiệp này cũng giảm liên tục từ đầu năm 2022 đến nay và chỉ còn 0,8 vòng vào cuối quý 3. Do đó, số ngày tồn kho/vòng lên 119 ngày cuối quý 3, mức cao nhất của doanh nghiệp này nói riêng và 3 doanh nghiệp xi măng lớn nói chung. Xi măng Bút Sơn cho biết đây là giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp từ trước đến nay khi cung vượt cầu, thị trường xuất khẩu chính xi măng và clinker ảm đạm, trong khi đó cạnh tranh trong ngành lại ngày càng gay gắt. Nguồn: ximang.vn
Tháng 7: Xuất khẩu xi măng, clinker đạt 2,8 triệu tấn
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu clinker và xi măng của Việt Nam trong tháng 7/2023 đạt 2,8 triệu tấn, kim ngạch đạt hơn 123 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và 2,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu clinker và xi măng của Việt Nam đã giảm 2,7% về lượng và 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước còn đạt 18,54 triệu tấn và 807 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân 7 tháng đạt 43,5 USD/tấn, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2022. Về thị trường, trong 7 tháng đầu năm, nhiều quốc gia đang ghi nhận tăng mạnh sản lượng clinker và xi măng từ Việt Nam, trong đó phải kể đến Indonesia. Cụ thể trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này sang quốc gia Đông Nam Á đạt 30.038 tấn, thu về gần 1,3 triệu USD. Trong khi đó, 7 tháng đầu năm 2022, Indonesia chỉ nhập khẩu 81 tấn, kim ngạch đạt gần 42.000 USD. Như vậy, nhập khẩu clinker và xi măng từ Việt Nam của Indonesia trong 7 tháng gấp hơn 370 lần về số lượng và hơn 31 lần về trị giá so với cùng kỳ. Sản lượng trong 7 tháng/2023 của thị trường này cũng gấp gần 4 lần so với tổng lượng nhập khẩu của cả năm 2022 cộng lại. Đáng chú ý, giá xuất khẩu clinker và xi măng vào thị trường này đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Trong 7 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân đạt 43,17 USD/tấn, giảm mạnh gần 92% so với cùng kỳ năm 2022 (515 USD/tấn). Nguồn: ximang.vn
Triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội 2023 lần 2 sẽ diễn ra từ ngày 20 - 24/9
Từ ngày 20 - 24/9, tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch và Xây dựng quốc gia, sẽ diễn ra Triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội 2023 lần 2 với chủ đề “Bất động sản - Trang trí nội, ngoại thất - Xây dựng và vật liệu xây dựng”. Triển lãm trên dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của gần 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước với khoảng hơn 1.000 gian hàng trưng bày về các sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến của ngành Bất động sản, Trang trí nội ngoại thất, Xây dựng và vật liệu xây dựng... nhằm phục vụ các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tại Triển lãm Vietbuild Hà Nội 2023 lần này, hầu hết các sản phẩm trưng bày đã được các doanh nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư với các sản phẩm vật liệu xây dựng và trang trí nội, ngoại thất có mẫu mã mới, tính năng và chất lượng được nâng cao đáp ứng nhu cầu về nhà ở, xây dựng và trang trí nội ngoại thất ngày càng phát triển. Triển lãm Vietbuild cũng là hoạt động thường xuyên và cụ thể nhằm hỗ trợ thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về xây dựng và bất động sản, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế để doanh nghiệp có những định hướng hoạt động tốt trong tình hình mới. Các chương trình Hội thảo, giao lưu doanh nghiệp tại Triển lãm là những hoạt động, tạo giá trị cho Triển lãm và các nhà doanh nghiệp tham gia, tạo cơ hội và điều kiện tốt cho các doanh nghiệp cùng nhau phát triển, chuyển giao khoa học công nghệ và trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư tài chính, liên kết nhằm cho ra đời các dòng sản phẩm mới trên các lĩnh vực Bất động sản - Trang trí nội, ngoại thất - Xây dựng và vật liệu xây dựng. Nguồn: ximang.vn
Nhu cầu thị trường xi măng Trung Quốc có thể phục hồi vào nửa cuối năm
Với tốc độ tăng trưởng của ngành bất động sản nhanh, khi sự tắc nghẽn đầu tư và tài chính của các dự án cơ sở hạ tầng được mở rộng hơn, việc xây dựng cơ sở hạ tầng vào năm 2023 sẽ trở thành một trong những động lực quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế và việc xây dựng cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì tốc độ phát triển nhanh. Tháng 6 là thời điểm Trung Quốc bắt đầu bước vào mùa mưa, do vậy ngành Xi măng nước này cũng bước vào đợt bán hàng trái vụ. Điều này càng làm tăng áp lực giảm giá bán xi măng, có khu vực giá xi măng đã xuống dưới mức chi phí của doanh nghiệp. Nhu cầu xi măng giảm là yếu tố chính ảnh hưởng đến việc giá xi măng tiếp tục giảm trong thời gian tới. Bên cạnh đó một số doanh nghiệp lao vào cuộc chiến giá cả nhằm giành giật thị trường khiến giá xi măng càng tiếp tục giảm. Xi măng rớt giá Sau Tết Nguyên đán, giá xi măng trong nước đã tăng trở lại dưới tác động của nhiều yếu tố như nhu cầu tăng và áp lực chi phí phòng hộ của doanh nghiệp. Tuy nhiên lượng tồn kho cao vẫn là thực tế mà ngành xi măng lúc bấy giờ phải đối mặt. Trong tháng 5, để đối phó với mùa mưa vào tháng 6 và mức tiêu thụ điện cao điểm vào mùa hè, các doanh nghiệp sản xuất xi măng tại một số tỉnh của Trung Quốc đã hạ giá bán xi măng trước. Theo dữ liệu thị trường của Mạng lưới Xi măng Trung Quốc, giá xi măng rời P.O42.5 bình quân vào tháng 5 năm là 397,98 NDT/tấn và giá xi măng rời P.O42.5 bình quân trong tháng 4 là 420,42 NDT/tấn, giảm hơn 20 NDT/tấn so với tháng trước. Sau khi bước sang tháng 6, xu hướng giá xi măng vẫn giảm. Theo Trung tâm thông tin mạng xi măng Trung Quốc cho thấy, khu vực miền Trung và miền Nam Trung Quốc có mưa nhiều, giá giảm 2,78%; lượng xi măng bán ra ở khu vực tây nam giảm và giá xi măng giảm 2,15%; nhu cầu ở Đông Bắc Trung Quốc yếu và giá xi măng giảm 1,38%; khu vực Tây Bắc nhìn chung ổn định, giá xi măng giảm nhẹ 0,06%; tại một số khu vực phía Bắc Trung Quốc, các lò đóng cửa xen kẽ tăng cao và giá tăng nhẹ 0,11%. Theo Wang Qi, nhà phân tích ngành Xi măng tại Zhuo Chuang Information, cho rằng nguyên nhân sâu xa của đợt giảm giá xi măng này là do nhu cầu kém. Bởi ngay cả khi dư thừa năng lực sản xuất xi măng, miễn là nhu cầu tiếp tục tăng thì những kỳ vọng lạc quan sẽ không khiến giá giảm quá nhiều. Tổng công suất sản xuất xi măng hiện đang bị thu hẹp, nhưng trong trường hợp nhu cầu tiếp tục yếu, ngay cả khi các nhà sản xuất hiện tại đang cạnh tranh, áp lực cung và cầu đối với các doanh nghiệp xi măng vẫn rất lớn. Thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất chao đảo Đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp xi măng niêm yết trong năm qua nhìn chung đếu không đạt yêu cầu. Quý I năm 2023, hiệu quả hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp xi măng niêm yết cũng sụt giảm. Ví dụ: Xi măng Jidong đạt doanh thu là 5,184 tỷ NDT, tăng 4,35% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận ròng là -792 NDT, giảm 239,76% so với cùng kỳ năm trước; Xi măng Conch đạt doanh thu là 31,37 tỷ NDT và lợi nhuận ròng là 2,551 tỷ nhân dân tệ, tăng 23,18% so với cùng kỳ năm ngoái; Xi măng Phúc Kiến đạt doanh thu là 447 triệu NDT và lợi nhuận ròng là -101 triệu NDT, giảm so với cùng kỳ năm ngoái lần lượt là -13,16% và -107,48%; Xi măng Thượng Phong đạt doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt là 1,39 tỷ NDT và 173 triệu NDT, tăng lần lượt là -7,02% và -49,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi nhu cầu thị trường tiếp tục suy yếu và giá xi măng tiếp tục giảm, ngày càng nhiều công ty xi măng trong khu vực bắt đầu triển khai sản xuất so le. Li Kunming cho biết từ tháng 1 đến tháng 4, lợi nhuận của ngành xi măng là khoảng 5,4 tỷ NDT. Dự đoán quý II, lợi nhuận của ngành vẫn ở mức thấp và sẽ thu hẹp so với quý I. Nửa cuối năm có thể mở ra một bước ngoặt Về thị trường xi măng năm 2023, Tập đoàn Tapai đã tuyên bố trong báo cáo thường niên năm 2022 rằng ngành bất động sản sẽ tiếp tục phục hồi vào năm 2023 và dự kiến sẽ chạm đáy và ổn định. Với tốc độ tăng trưởng nhanh, khi sự tắc nghẽn đầu tư và tài chính của các dự án cơ sở hạ tầng được mở rộng hơn, việc xây dựng cơ sở hạ tầng vào năm 2023 sẽ trở thành một trong những động lực quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế và việc xây dựng cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì tốc độ phát triển nhanh. Dự kiến nhu cầu xi măng cả năm 2023 sẽ không đổi hoặc giảm nhẹ, tốc độ tăng nhu cầu thể hiện đặc điểm thấp trước cao sau, yếu trước mạnh sau. Xi măng Jidong tin vào báo cáo thường niên rằng ngành bất động sản dự kiến sẽ chạm đáy và ổn định vào năm 2023. Dự kiến sự sụt giảm hàng năm về diện tích xây dựng mới và hoàn thiện sẽ thu hẹp, nhưng xu hướng giảm chung của bất động sản sẽ tiếp tục. Dự kiến, nhu cầu xi măng năm 2023 về cơ bản sẽ giống như năm 2022, nhu cầu sẽ thấp ở đầu và cao ở cuối. Wang Qi cho rằng, ban đầu kỳ vọng lạc quan của chúng tôi là vào tháng 8 và tháng 9 năm nay, khi thị trường bất động sản khởi sắc và bước vào mùa xây dựng cao điểm, nhu cầu về xi măng sẽ phản ánh ngành công nghiệp xi măng liệu có tăng trưởng như mong đợi hay không. Dongguan Securities cho biết trong báo cáo nghiên cứu rằng về phía cung, một số nhà sản xuất đã hoàn thành chỉ tiêu sản xuất cao điểm trong quý II và sản lượng xi măng có thể tăng; về phía chi phí, giá thị trường than nhiệt tiếp tục giảm vàsdự kiến sẽ giảm trong năm nay. Trong trung và dài hạn, ngành Xi măng đã thoát khỏi đáy của sự bùng nổ, chính sách cung cầu bất động sản đang diễn ra sôi nổi, đầu tư cơ sở hạ tầng duy trì tốc độ tăng trưởng cao và dự kiến sẽ mở ra sự phục hồi trong nửa cuối năm. Nguồn: ximang.vn
Doanh nghiệp VLXD dự báo phục hồi nhẹ bới sự dẫn dắt của làn sóng đầu tư công
Doanh nghiệp vật liệu xây dựng đã và đang phải vật lộn với bộn bề khó khăn khi sức cầu vật liệu xây dựng giảm do chịu ảnh hưởng mạnh từ việc thị trường bất động sản suy yếu. Với việc Chính phủ sẽ triển khai các dự án giao thông trọng điểm mới trong nửa sau của năm 2023, nhu cầu vật liệu xây dựng được kỳ vọng sẽ có thể phục hồi nhẹ và được dẫn dắt bởi làn sóng đầu tư công. Giới phân tích kỳ vọng doanh nghiệp vật liệu xây dựng sẽ hồi phục nhờ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Chuyên gia phân tích Huỳnh Anh Huy, đến từ Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), cho biết theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, một số dự án đường cao tốc trọng điểm cũng như dự án đường Vành đai 3 sẽ được dự kiến đẩy mạnh triển khai trong cuối tháng 6, bên cạnh dự án đường cao tốc Bắc - Nam đang được gấp rút tiến hành. Có tới 4 trong tổng số 5 dự án trọng điểm sẽ được triển khai trong khu vực phía Nam và kỳ vọng sẽ hỗ trợ cải thiện mạng lưới giao thông giữa các khu kinh tế lớn tại khu vực miền Nam. Các dự án giao thông trọng điểm nửa sau 2023 gồm: đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, kinh phí là 73.300 tỷ đồng; tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (44.700 tỷ đồng); tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (22.000 tỷ đồng); tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (17.830 tỷ đồng); đường Vành đai 4 Hà Nội (85.800 tỷ đồng). Tổng mức đầu tư cho 5 dự án trên là hơn 240.000 tỷ đồng và sẽ được giải ngân dần đến năm 2025. Thực tế, trong nửa đầu năm 2023, thị trường ngành Vật liệu xây dựng đã chịu ảnh hưởng mạnh từ việc thị trường bất động sản suy yếu dẫn đến việc đình trệ trong thi công các dự án xây dựng nhà ở. Điều này đã khiến cho nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm sút rõ rệt. Tuy nhiên, với việc Chính phủ sẽ triển khai các dự án giao thông trọng điểm mới trong nửa sau của năm 2023, nhu cầu vật liệu xây dựng được kỳ vọng sẽ có thể phục hồi nhẹ và được dẫn dắt bởi làn sóng đầu tư công trong bối cảnh ngành Bất động sản chưa có nhiều dấu hiệu hồi phục mạnh. Với kỳ vọng tích cực về đầu tư công trong nửa sau của năm 2023, ACBS cũng đặt kỳ vọng vào sự hồi phục trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng. Với việc cấu phần tiêu thụ vật liệu của các dự án cơ sở hạ tầng có khác biệt so với các dự án nhà ở, trong đó đá xây dựng, xi măng, nhựa đường chiếm tỷ trọng cao hơn, ACBS cũng kỳ vọng các doanh nghiệp ngành Đá ở khu vực miền Nam như Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, Công ty CP Hóa An; doanh nghiệp ngành Xi măng như Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên và doanh nghiệp ngành Nhựa đường là Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này. Đồng quan điểm, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định ngành Vật liệu xây dựng, trong đó có đá xây dựng được hưởng lợi từ dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Đối với chi phí xây dựng đường cao tốc, không tính chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thì bình quân chi phí đá chiếm tỷ trọng từ 30 - 35%/chi phí xây dựng, nhân công xấp xỉ 40% và nhựa đường khoảng 15%, còn lại là đất cát san lấp. Theo VCBS, hiện nay Việt Nam có 22 Cảng hàng không. Theo Luật Quy hoạch mới, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến 2030 tầm nhìn 2050. Cụ thể, theo Quy hoạch tổng thể đến 2030 dự kiến có thêm 6 Cảng hàng không và đến 2050 có 31 Cảng hàng không. VCBS cho biết 2 sân bay địa phương là Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và Sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất quy hoạch thành Cảng hàng không. Trung bình ước tính 1m² đường sân bay sẽ sử dụng khoảng 1m³ đá. Nhu cầu đá cho đầu tư công là rất lớn trong khi nguồn cung đá rất hạn chế; có đến 70% nhu cầu đá đến từ xây dựng các công trình hạ tầng. Theo ước tính của Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu đá 2023 - 2025 khoảng 21,5 triệu m³, sân bay Long Thành giai đoạn 1 là hơn 2 triệu m³, Vành đai 3 khoảng 5,2 triệu m³... Đầu tư công có thể là "phao cứu sinh" cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng nhưng thực tế, những khó khăn mà doanh nghiệp ngành này đối diện vẫn không hề nhỏ. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết ngày 31/5/2023 là 157.095,4 tỷ đồng, chỉ đạt 20,8% kế hoạch (đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 4 tháng và ước 5 tháng đầu năm 2023 thậm chí còn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Theo các Hội, Hiệp hội ngành Vật liệu xây dựng cho rằng để giải quyết khó khăn, cần đẩy mạnh đầu tư công để đạt từ 95 - 100% của kế hoạch năm 2023. Đồng thời, chú trọng khơi thông dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp, nhà ở và khẩn trương đơn giản thủ tục cho gói 120.000 tỷ đồng. Lãnh đạo các Hội, Hiệp hội ngành Vật liệu xây dựng cũng đề nghị sớm giảm thuế VAT 2% đến năm 2024; giảm thuế đất hết năm 2023 và cho nợ thuế đất hết năm 2024 cũng như hoàn thuế xuất nhập khẩu kịp thời. Các chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, dân thiếu việc làm, lãi suất ngân hàng cao, thuế cao so với điều kiện thực tế khiến thị trường vật liệu xây dựng hầu như ngưng trệ. Nguồn: ximang.vn
Giải pháp nào gỡ khó cho ngành Xi măng trong giai đoạn hiện nay?
Trong tình thế vô cùng khó khăn, giai đoạn nền kinh tế nói chung đang gánh chịu những hệ lụy của một thời gian dài phát triển thiếu đồng bộ, nhiều bất cập trong cơ chế chính sách, ngành Xi măng Việt Nam cũng phải chịu sức ép vô cùng lớn từ những quy định còn nhiều bất cập, chính sách tiền tệ và tín dụng ngắn hạn, những bất ổn từ thị trường trong và ngoài nước… Tổng hợp các ý kiến từ các chuyên gia, dưới đây là một số giải pháp gợi ý mà các doanh nghiệp trong ngành Xi măng Việt Nam đã và đang thực hiện để giải quyết tình trạng khủng hoảng hiện nay: 1. Tối ưu hóa sản xuất: Các doanh nghiệp đang tìm cách tối ưu hóa quy trình sản xuất và cải tiến công nghệ để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất. Điều này giúp các doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh và tăng lợi nhuận. Đặc biệt trong đó là vấn đề tận dụng nhiệt dư để phát điện và sử dụng đốt rác thải thay thế một phần nhiên liệu. 2. Phát triển sản phẩm mới: Các doanh nghiệp xi măng đang tìm cách phát triển sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Điều này giúp các doanh nghiệp thu hút được nhiều khách hàng hơn và tăng doanh số bán hàng. Các sản phẩm đa dạng cũng giúp doanh nghiệp xi măng đi vào nhiều phân khúc thị trường, tối đa hóa các ứng dụng sử dụng sản phẩm xi măng trong đời sống xã hội. 3. Tìm kiếm thị trường mới: Các doanh nghiệp xi măng đang tìm cách mở rộng thị trường và tìm kiếm khách hàng mới, bao gồm cả thị trường xuất khẩu. Điều này giúp các doanh nghiệp tăng doanh số và giảm thiểu tác động của sự dư thừa sản lượng trong nước. Nhiều dự án vùng sâu vùng xa được các doanh nghiệp xi măng tiếp cận triển khai bán hàng. Vận động để các công trình hạ tầng sử dụng nhiều xi măng như cầu cạn, đường bê tông, bê tông hóa nông thôn, hải đảo… 4. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển: Các doanh nghiệp đang tìm cách đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tìm ra giải pháp mới và cải tiến hiệu suất sản xuất. Điều này giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn. Các vấn đề về kiểm toán năng lượng, tìm ra khâu tiêu thụ nhiều năng lượng để cải tiến hiệu chỉnh. Cắt bới các công đoạn sản xuất không hiệu quả. Tăng cường quản trị tự động hóa, số hóa, và sử dụng cơ sở dữ liệu lớn trong hoạt động sản xuất và bán hàng. 5. Hợp tác với các đối tác trong nội bộ ngành: Các doanh nghiệp đang tìm cách hợp tác với các đối tác để tăng cường khả năng cạnh tranh và tăng lợi nhuận. Điều này giúp các doanh nghiệp chia sẻ chi phí và tận dụng các nguồn lực khác nhau để tạo ra giá trị cao hơn. Các doanh nghiệp xi măng có thể hợp tác để cùng nhau chia sẻ những tài nguyên, thiết bị, phương tiện, tài chính… để tối ưu hóa quá trình đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời có sự phối kết hợp, phân chia thị phần hợp lý để không có sự chồng chéo, lãng phí hoặc cạnh tranh không lành mạnh, làm giảm mức lợi nhuận chung của ngành. 6. Hỗ trợ từ Chính phủ: Chính phủ đang ngiên cứu đưa ra các chính sách hỗ trợ để giải quyết tình trạng khủng hoảng trong ngành Xi măng, bao gồm cả hỗ trợ tài chính và giảm thuế. Các doanh nghiệp có thể tận dụng các chính sách này để giảm thiểu thiệt hại và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhưng các tín hiệu là chưa rõ ràng. Vai trò vô cùng lớn của Chính phủ trong việc điều tiết kinh tế vĩ mô để ngành Xi măng có thể thoát hiểm, cần có sự tham mưu rốt ráo của các ban, ngành, trong đó có Bộ Xây dựng. Đó là các chính sách tháo gỡ về vốn, tín dụng, thị trường bất động sản hay vấn đề đẩy mạnh đầu tư công. Bên cạnh đó kiên quyết không cho các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư các dự án xi măng mới, với các mục tiêu không rõ ràng, triển khai trong thời gian tới. Những giải pháp này đang được các doanh nghiệp trong ngành Xi măng thực hiện để giải quyết tình trạng khủng hoảng. Tuy nhiên, để đưa ngành Xi măng Việt Nam trở lại vị thế cạnh tranh một cách bình thường trên thị trường cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, Chính phủ và các bên liên quan. Nguồn:ximang.vn